Ý kiến thăm dò

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
388426

Thiệu Toán là một xã nằm phía hữu ngạn, vùng hạ lưu sông Chu, thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Cách trung tâm huyện Thiệu Hóa 10 km và cách thành phố Thanh Hóa khoảng 25 km về phía Tây. Phía Bắc giáp xã Thiệu Ngọc và Thiệu Vũ được ngăn cách bờ dòng sông Chu, phía Đông Giáp xã Thiệu Minh, phía Nam giáp xã Thiệu Chính, phía Tây giáp xã Xuân Khánh, Xuân Phong huyện Thọ Xuân. Diện tích tự nhiên của xã có 648,4 ha, trong đó đất nông nghiệp 300,92 ha, đất bãi 33,95 ha, đất ao hồ 2,59 ha, còn lại là các loại đất khác. Dân số hiện nay có 6.320 người, phân bố theo đơn vị làng truyền thống, nay được quản lí theo đơn vị thôn.

1. Về địa hình và thổ nhưỡng: 
- Nếu nhìn trên địa bàn rộng, cùng với các xã trong khu vực, địa hình Thiệu Toán nghiêng theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, với những cánh đồng tương đối bằng phẳng, xen lẫn với xóm thôn trù phú. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ sản xuất trong phạm vi của xã thì địa hình Thiệu Toán tương đối phức tạp. Ngoài những cánh đồng chủ động được tưới tiêu là những khu đồng cao, những năm trước đây khi hệ thống thủy lợi chưa mấy phát triển người dân trồng lúa vẫn phải tát nước, bên cạnh đó là những khu đồng trũng nhiều năm bị ngập chìm trong nước mỗi khi bão lụt. Đặc biệt có những khu đất trũng tạo thành những vùng hồ, đầm, ao, dọc với diện tích lên tới 25 ha, tiêu biểu là hồ Duồng (Toán Thọ), hồ Ông Hán (Cầu Kè), hồ Ruội (Toán Hàng), mau Bến, mau Dừa (sông Dừa cũ), mau Đồng, dọc Sâu, dọc Cao (Toán Thắng)….
- Là một xã thuộc vùng đồng bằng châu thổ, chất đất ở Thiệu Toán thuộc loại đất phù sa cũ không được bồi đắp hàng năm. Nhìn chung chất đất ở đây tương đối tốt, ít chua, độ mùn từ trung tính đến khá, tầng đất dày, đất mặt chủ yếu là cát pha đến đất thịt trung bình, tơi xốp, dễ thấm nước…
- Qua bao đời nay, các thế hệ người Thiệu Toán đã không ngừng cải tạo để đồng ruộng có diện mạo như ngày hôm nay. Nhìn chung địa hình và thổ nhưỡng ở Thiệu Toán tương đối thuận tiện cho phát triển một nền nông nghiệp phong phú về sản vật, một năm có thể sản xuất từ 2 đến 3 vụ.

2. Về khí hậu: 
- Cũng giống như các xã trong khu vực, Thiệu Toán nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa. Đặc trưng của kiểu khí hậu này là có một nền nhiệt và ẩm phong phú chịu tác động sâu sắc của gió mùa. Hàng năm, từ tháng 5 đến tháng 10 thường có gió mùa Đông nam, còn gọi là gió nồm, mang hơi nước từ biển thổi vào nên có tính chất mát ẩm, trùng với thời kì mưa nhiều ở nước ta. Vào khoảng tháng 8 (tức tháng 7 âm lịch) Thiệu Toán cũng như các địa phương ở Thanh Hóa có dải hội tụ nhiệt đới vắt qua, gây nên kiểu thời tiết sập sùi khi tạnh, khi mưa, khiến dân gian liên tưởng đến mối tình dang dở của vợ chồng nhà Ngâu. Trong mùa này còn có kiểu thời tiết bất thường là bão có sức gió mạnh, kèm theo mưa lớn thường gây nên hậu quả nghiêm trọng cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Một dạng thời tiết khác là gió Lào, tuy tần suất không cao nhưng gây nên thời tiết khô nóng rất khó chịu. Từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau có gió mùa Đông bắc, còn gọi là gió bấc, là khối khí khô lạnh từ Xi bia ri thổi về, trùng với thời kì khô lạnh ở Miền Bắc. Tùy theo cường độ của đợt không khí từ phương Bắc tràn về mạnh hay yếu mà sinh ra những trận rét đậm, hay nhẹ khác nhau ở địa phương. Giữa hai mùa là mùa chuyển tiếp có thời tiết tương đối dễ chịu. 
- Dù có tính chất thất thường, đôi khi gây thiệt hại cho sản xuất sinh hoạt của nhân dân, nhưng nhìn chung khí hậu ở đây tương đối thuận tiện cho sản xuất với những giống cây vùng nhiệt đới. Ngoài ra, với sự xuất hiện mùa đông giá lạnh đã xuất hiện những giống cây vùng ôn đới như các loại rau màu, các hoa… làm phong phú hệ thực vật ở địa phương.

3. Hệ thống sông ngòi: 
+ Có một dòng sông in dấu ấn sâu đậm đến lịch sử phát triển tự nhiên cũng như xã hội của Thiệu Toán là dòng sông Chu. Đây là phụ lưu lớn nhất của sông Mã nên các nhà khoa học gọi là hệ thống sông Mã – sông Chu, một trong những hệ thống sông quan trọng nhất hình thành đồng bằng Thanh Hóa (hay còn gọi là đồng bằng sông Mã). Về mùa Đông lượng nước ít, dòng sông hiền hòa, đôi khi phơi cả những doi cát giữa lòng sông. Ngược lại vào mùa mưa, do chảy qua những trung tâm mưa lớn của tỉnh, nhất là mỗi khi có mưa bão, nước thường dâng lên đột ngột, gây nên những trận lụt kinh hoàng cho dân cư. Lịch sử Thiệu Toán từng ghi lại những trận đói khủng khiếp do nạn vỡ đê sông Chu gây ra. 
+ Nằm ở phía Nam của xã là dòng sông Dừa là một nhánh của sông Hoàng. Sông Dừa bắt nguồn núi từ Chủ Sơn (Thọ Xuân) chia làm hai nhánh, trong đó có một nhánh đi qua Thiệu Toán về các xã phía Nam của Thiệu Hóa rồi về sông Hoàng, gặp sông Nhơm ở Ngã ba Vua Bà (Quảng Xương, Nông Cống), rồi nhập với sông Yên (Tĩnh Gia). Sông Dừa còn có tên là sông nhà Lê bởi nằm trong hệ thống sông nhà Lê, bao gồm hệ thống sông đào nối với các sông tự nhiên ở Thanh Hóa tạo nên hệ thống giao thông đường thủy quan trọng bậc nhất ở Thanh Hóa qua nhiều thế kỉ . So với sông Chu thì sông Dừa không lớn, nhưng cũng luôn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển, sản xuất, sinh hoạt của cư dân địa phương. Tuy lượng phù xa không lớn, nhưng sông Dừa cũng tạo nên cánh đồng ven sông ở các làng, khi sông đổi dòng cũng để lại những hồ, đầm như mau Dừa ở Toán Thắng.
+ Nằm gần như chính giữa xã, chảy theo hướng Tây – Đông là dòng kênh Bắc. Đây là một trong hai kênh chính của hệ thống thủy điện sông Chu được người Pháp xây dựng từ năm 1918, hoàn thành vào năm 1925. Từ kênh Bắc, Thiệu Toán đã có hệ thống chi giang, tiểu câu cung cấp nước cho các xứ đồng.
+ Với hệ thống sông ngòi, hồ đầm, mau dọc phân bố trên địa bàn xã như vậy, nhìn chung Thiệu Toán tương đối chủ động được tưới tiêu, góp phần quan trọng đưa địa phương cùng với các xã trong huyện trở thành vùng trọng điểm lúa của Thanh Hóa.

4. Giao thông: 
+ Với hai con sông nằm ở hai đầu của xã, từ thời xa xưa, Thiệu Toán là địa phương thuận tiện giao thông đường thủy. Với hệ thống sông nhà Lê, trong đó sông Hoàng, sông Chu là những trục chính, từ Thiệu Toán có thể đi đến nhiều vùng trong tỉnh. Trước đây, khi đường bộ chưa phát triển thì thuyền bè trở hàng hóa, thủy hải sản như, cá khô, mắm, muối từ vùng biển ngược sông Chu, sông Hoàng lên buôn bán với các địa phương hai bên sông tạo nên những trung tâm buôn bán với cảnh trên bến, dưới thuyền tấp nập. Trước kia, khi còn HTX nông nghiệp theo thôn, hoặc liên thôn, những địa phương bên cạnh dòng sông Hoàng đều có đội thuyền chuyên vận chuyển phân, than, đá, gạch…phục vụ cho xây dựng và nung vôi, nấu gạch. Sông Chu vẫn còn là đường giao thông tấp nập thuyền hàng từ xuôi lên ngược, bè mảng lâm thổ sản từ miền núi về.
+ Về giao thông đường bộ, do có quốc lộ 47 (nay là tỉnh lộ 515) chạy qua, nên từ xưa, Thiệu Toán nằm trên trục đường từ thị xã Thanh Hoá đi Bái Thượng, Thường Xuân, sang tận nước Lào. Từ Thiệu Toán có thể đi chợ Đu, lên Thọ Xuân, Bái Thượng, Hậu Hiền, Ba Chè, Quán Giắt, thị xã Thanh Hoá đều dễ dàng. Trước đây, việc đi lại của nhân dân trong các làng rất khó khăn. Sau Cách mạng Tháng tám, đường xá từng bước được cải tạo. Tuy nhiên, mãi đến những năm cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, sự năng động, sáng tạo của cán bộ và nhân dân trong xã, giao thông mới được cải tạo căn bản. Trục đường chính chạy qua khu trung tâm xã đã được mở rộng và rải nhựa, đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận tiện, đủ sức cho xe tải trọng tải 10 tấn lưu thông. Hệ thống đư¬ờng liên thôn, đường làng ngõ xóm bước đầu được rải bê tông, tương đối sạch sẽ. Tuy nhiên, Thiệu Toán rất cần sự quy hoạch và đầu tư thêm để hoàn chỉnh hệ thống giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội.

 
Lê Công Cường

CÔNG KHAI TIẾN ĐỘ GIẢI QUYẾT TTHC

CHI TIẾT

Truyền Hình Thiệu Tóan