Ý kiến thăm dò

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
388426

Qúa trình hình thành và phát triển của xã Thiệu Toán gắn liền với sự hình thành, phát triển và đấu tranh cách mạng của huyện Thiệu Hóa. Trước đây, Thiệu Hóa cùng các huyện Thọ Xuân, Ngọc Lặc…thuộc huyện Lương Giang, phủ Thiệu Thiên. Đời Đoan Khánh (1505 – 1509), huyện Lương Giang được đổi thành huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Thiên. Dưới thời Nguyễn, vào năm 1815 phủ Thiệu Thiên được đổi thành phủ Thiệu Hóa, kiêm nhiếp 8 huyện (Quàng Bằng, Thạch Thành, Thụy Nguyên, Yên Định, Lôi Dương, Vĩnh Lộc, Đông Sơn, Cẩm Thủy). Các làng của Thiệu Toán thuộc tổng Lôi Dương, huyện Lôi Dương.

Đến năm Thành Thái thứ 8 (1896) tổng Lôi Dương được tách thành 2 tổng Lôi Dương và Xuân Lai, các làng của Thiệu Toán thuộc tổng Xuân Lai, riêng Toán Thắng thuộc tổng Lôi Dương, huyện Thụy Nguyên. Năm Thành Thái thứ 12 (1900) huyện Thụy Nguyên cắt một số tổng để lập châu mới mang tên Ngọc Lặc và thành lập huyện Thọ Xuân; nhận 2 tổng Lôi Dương, Xuân Lai của Thọ Xuân, 2 tổng Vận Quy, Đại Bối và một phần tổng Thạch Khê của Đông Sơn về. Từ tên huyện Thụy Nguyên được đổi thành phủ Thiệu Hóa, có 4 tổng thuộc tả ngạn sông Chu (Thử Cốc, Phù Chẩn, Mật Vật, Phùng Cầu) và 4 tổng thuộc hữu ngạn sông Chu (Xuân Lai, Xuân Phong, Vận Quy, Đại Bối). Các làng của Thiệu Toán gồm: Mao Xá (Toán Tỵ), Cựu Thôn (Toán Thành), Thung Dung (Toán Thọ), Khố Kỳ (Toán Phúc) vẫn thuộc tổng Xuân Lai, Sơn Nộn (Toán Thắng) thuộc tổng Xuân Phong.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước có chủ trương bỏ đơn vị cấp tổng, thành lập đơn vị hành chính xã, (tháng 12/1945), trên địa bàn 2 tổng Xuân Lai và Xuân Phong thành lập 4 xã là: Huy Toán, Tân Dân, Hồng Thái, Đại Đồng (nay thuộc các xã Thiệu Toán, Thiệu Chính, Thiệu Hòa, Thiệu Tâm, Thiệu Minh). Xã Huy Toán được thành lập gồm các làng Mao Xá, Cựu Thôn, Thung Dung, Khố Kỳ. Thời gian này làng Sơn Nộn (Toán Thắng) thuộc xã Tân Dân . Thời kì này, cùng với việc đặt tên xóm, tên các làng cũng được đặt lại. Các làng của Huy Toán đều bắt đầu bằng chữ Toán, theo đó, Mao Xá đổi thành Toán Tỵ , Cựu Thôn đổi thành Toán Thành, Thung Dung đổi thành Toán Thọ, Khố Kỳ đổi thành Toán Phúc. Các làng của xã Tân Dân tên làng bắt đầu từ chữ Dân, trong đó làng Sơn Nộn được đổi thành làng Dân trí.

Từ tháng 4/1947, huyện Thiệu Hóa có sự thay đổi về đơn vị hành chính, theo hướng ghép các xã nhỏ thành xã lớn. Xã Huy Toán được sáp nhập với xã Tân Dân thành xã Huy Toán (lớn), gồm 15 làng gồm: Toán Tỵ (Mao Xá), Toán Thành (Cựu Thôn), Toán Phúc (Khố Kỳ), Toán Thọ (Thung Dung), Dân Trí (Sơn Nộn), Dân Tài (Đông Thôn), Dân Quý (Trung Thôn), Dân Sinh (Xuân Lai), Dân Quyền (Thôn Thiều), Dân Vượng (Cá Lược), Dân Chính (Gia Hội), Dân Tiến (Cao Xá), Dân Phong (trại Xếp Nghĩa), Dân Ái (Khoái Thôn), Dân Hòa (Tối Thuần).

Tháng 3/1953, Thiệu Hóa bắt đầu chia 12 xã thành 31 xã, theo đó xã Huy Toán được chia thành 2 xã là Thiệu Chính và Thiệu Toán. Xã Thiệu Toán chính thức được thành lập gồm các làng hiện nay. Trong đó làng Dân Trí (Sơn Nộn) của xã Tân Dân cũ được đổi thành Toán Thắng.

Ngày 05/7/1977, Hội đồng Bộ trưởng có Quyết định 177/CP giải thể huyện Thiệu Hóa, 15 xã tả ngạn sông Chu sáp nhập với huyện Yên Định thành lập huyện Thiệu Yên, 16 xã hữu ngạn sông Chu sáp nhập với huyện Đông Sơn thành lập huyện Đông Thiệu (sau đổi lại là Đông Sơn). Từ đây Thiệu Toán trực thuộc huyện Đông Sơn.

Ngày 18/11/1996, Chính phủ có Nghị định 72/CP về điều chỉnh địa giới một số huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, huyện Thiệu Hóa được tái lập lại trên cơ sở 15 xã sáp nhập với huyện Yên Định và 16 xã sáp nhập với huyện Đông Sơn trước kia. Từ tháng 01/1997 bộ máy của huyện Thiệu Hóa đi vào hoạt động. Từ đây, Thiệu Toán trực thuộc huyện Thiệu Hóa.

Có thể thấy quá trình hình thành địa danh xã Thiệu Toán luôn gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân trong xã nói riêng, cả nước nói chung. Cái tên Huy Toán, Thiệu Toán gắn liền với tên đồng chí Lê Huy Toán, người con ưu tú của quê hương, người lãnh đạo của Tỉnh ủy Thanh Hóa, người chiến sĩ cách mạng kiên cường đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và hi sinh vì nghĩa lớn. Đó là vùng quê giàu truyền thống cách mạng, nhưng cũng rất đỗi thân quyen, bình thường như bao làng quê khác, với cây đa, giếng nước, sân đình và những truyền thống văn hóa của nền văn minh lúa nước. 


Lê Công Cường

CÔNG KHAI TIẾN ĐỘ GIẢI QUYẾT TTHC

CHI TIẾT

Truyền Hình Thiệu Tóan